Khu vực huyện Cam Lâm và đầm Thủy Triều được chia thành 07 phân khu như sau:
– Phân khu 01: Khu đô thị trung tâm
+ Thuộc thị trấn Cam Đức, xã Cam Thành Bắc, một phần xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Nam, Cam An Bắc, Cam Hải Đông. Diện tích tự nhiên khoảng 5.652 ha. Diện tích đất xây dựng khoảng 4.400 ha. Dân số đến năm 2045 khoảng 295 – 325 nghìn người. Mật độ dân số trên đất xây dựng khoảng 67 – 74 người/ha.
+ Tính chất: Là trung tâm hành chính – chính trị của toàn đô thị; trung tâm tài chính – thương mại – dịch vụ, giao lưu văn hóa quốc tế; trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cấp vùng; là khu vực tập trung dân cư và các hoạt động chính của toàn đô thị; là cửa ngõ phía Tây – cửa ngõ chính của đô thị mới Cam Lâm.
+ Định hướng chính:
Phát triển mới trung tâm hành chính – chính trị đô thị Cam Lâm, tái sử dụng khu đất trung tâm hành chính – chính trị huyện Cam Lâm hiện hữu cho các mục đích phục vụ cộng đồng.
Phát triển mới tuyến trung tâm tài chính – thương mại – dịch vụ, phối hợp với khu hỗn hợp mật độ cao; với điểm nhấn các cụm công trình hỗn hợp cao tầng mang tính biểu tượng đương đại.
Phát triển mới các không gian giao lưu văn hóa quốc tế; trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo đẳng cấp quốc tế tại đảo Trí Tuệ, với điểm nhấn là khu triển lãm quốc tế, quảng trường biển, các toà nhà hỗn hợp cao tầng, in bóng trên mặt nước đầm Thủy Triều.
Phát triển mới Khu trung tâm đô thị phía Nam có chức năng là trung tâm tổng hợp cấp đô thị; gắn với cụm công nghiệp công nghệ cao, phục vụ nhu cầu du lịch, đô thị và đổi mới sáng tạo.
Cải tạo và chỉnh trang khu dân cư thị trấn Cam Đức hiện hữu kết hợp với tái định cư các khu vực dân cư nằm rải rác không tập trung. Từng bước nâng cao mật độ dân cư tại các khu vực làng xóm đô thị hóa thông qua tái phát triển quỹ đất nông nghiệp gắn với nhà ở. Phát triển mới các khu dân cư đô thị, tuân thủ theo các quy định phân vùng mật độ.
Cải tạo, chỉnh trang, mở rộng các điểm dân cư nông thôn ven đô hiện hữu theo hướng từng bước nâng cao mật độ dân cư, bảo tồn – phát huy giá trị truyền thống, tiết kiệm đất đai, nâng cao chất lượng hạ tầng và môi trường nông thôn.
– Phân khu 02: Khu đô thị phía Bắc
+ Thuộc một phần xã Cam Tân, Cam Hoà, Cam Hải Tây, Suối Tân, Cam Hải Động, Cam Hiệp Bắc, thị trấn Cam Đức. Diện tích tự nhiên khoảng 7.057 ha. Diện tích đất xây dựng khoảng 5.600 ha. Dân số đến năm 2045 khoảng 240 – 264 nghìn người. Mật độ dân số trên đất xây dựng khoảng 43 – 47 người/ha.
+ Tính chất: Là trung tâm văn hóa – thể thao, y tế, giáo dục, thương mại – dịch vụ cấp đô thị, công nghiệp; là khu vực phát triển đô thị – nông thôn tập trung.
+ Định hướng chính:
Phát triển mới Khu trung tâm đô thị phía Bắc có chức năng là trung tâm tổng hợp cấp đô thị.
Hình thành chuỗi sân golf, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề ven chân núi Cù Hin.
Tiếp tục hoàn thiện khu công nghiệp Suối Dầu hiện hữu theo hướng thân thiện môi trường, gắn với thế mạnh địa phương.
Từng bước nâng cao mật độ đô thị tại các khu vực làng xóm đô thị hóa thông qua khai thác các khu đất nông nghiệp gắn với nhà ở. Phát triển mới các khu dân cư đô thị, tuân thủ theo các quy định phân vùng mật độ. Phát triển mới khu dân cư mật độ thấp ven đầm Thuỷ Triều theo mô hình “đô thị du thuyền”.
Cải tạo, chỉnh trang, mở rộng các điểm dân cư nông thôn hiện hữu ven đô theo hướng từng bước nâng cao mật độ dân cư, bảo tồn – phát huy giá trị truyền thống, tiết kiệm đất đai, nâng cao chất lượng hạ tầng và môi trường nông thôn.
– Phân khu 03: Khu đô thị ven biển
+ Thuộc xã Cam Hải Đông (bao gồm quần đảo Hòn Nội, Hòn Ngoại). Diện tích tự nhiên khoảng 3.604 ha. Diện tích đất xây dựng khoảng 2.000 ha. Dân số đến năm 2045 khoảng 86 – 95 nghìn người. Mật độ dân số trên đất xây dựng khoảng 43 – 48 người/ha.
+ Tính chất: Là khu du lịch – dịch vụ – đô thị ven biển; cửa ngõ đường thuỷ của đô thị mới Cam Lâm.
+ Định hướng chính:
Bảo vệ và tôn tạo cảnh quan bờ biển Bãi Dài, cảnh quan ven đầm Thủy Triều, cảnh quan phía Đông núi Cù Hin. Hình thành tuyến du lịch leo núi, tuyến xe đạp ngoạn cảnh ven chân núi; kết hợp với phát triển du lịch sinh thái núi, du lịch tâm linh, điểm dừng chân ngoạn cảnh; đảm bảo sự hài hoà giữa hoạt động du lịch với công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn cảnh quan, sinh thái.
Tăng cường các tuyến đường tiếp cận ra bờ biển; đảm bảo quyền tiếp cận công cộng đến không gian ven biển; phát triển đa dạng các quảng trường, công viên, không gian mở ven biển cho các dịch vụ vui chơi giải trí và hoạt động cộng đồng; xây dựng dải công viên cảnh quan ven đầm; bố trí các bến du thuyền, khu vui chơi giải trí nước.
Hoàn thiện tuyến công trình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển phía Đông đường Nguyễn Tất Thành theo định hướng đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan tiêu biểu; phát triển tuyến đô thị phía Tây đường Nguyễn Tất Thành theo định hướng đa dạng hoá dịch vụ du lịch; phối hợp hài hoà giữa hoạt động dân cư và du lịch; hình thành các tuyến phố hướng biển tập trung hoạt động công cộng và dịch vụ và có cảnh quan hấp dẫn, gồm tuyến hai bên kênh Thủy Triều, cầu Thủy Triều 1 và cầu Thủy Triều 2
– Phân khu 04: Khu sinh thái núi Cù Hin
+ Thuộc một phần xã Suối Cát, xã Suối Tân, xã Cam Hòa và xã Cam Tân. Diện tích tự nhiên khoảng 5.379 ha. Diện tích đất xây dựng khoảng 1.200 ha. Dân số đến năm 2045 khoảng 29 – 32 nghìn người. Mật độ dân số trên đất xây dựng khoảng 24 – 27 người/ha.
+ Tính chất: Là khu vực cửa ngõ phía Bắc đô thị mới Cam Lâm, phát triển công nghiệp ven đô, các dịch vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí núi rừng và bảo tồn cảnh quan núi Cù Hin.
+ Định hướng chính:
Bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch sinh thái núi Cù Hin trong mối quan hệ với hệ sinh thái đầm Thủy Triều và không gian ven biển; bảo vệ rừng đầu nguồn, các suối, trục tiêu thoát lũ, đa dạng sinh học, bảo tồn giá trị cảnh quan đặc trưng, có biện pháp bền vững chống xói mòn, sạt lở…
Cải tạo, chỉnh trang và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái hai bên ĐT.657K, từ cửa ngõ phía Bắc đô thị Cam Lâm hướng ra vịnh Nha Trang. Duy trì, hoàn thiện và mở rộng các cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với thế mạnh địa phương.
Cải tạo, chỉnh trang, mở rộng các điểm dân cư nông thôn hiện hữu theo hướng từng bước nâng cao mật độ dân cư, bảo tồn – phát huy giá trị truyền thống, tiết kiệm đất đai, nâng cao chất lượng hạ tầng và môi trường nông thôn.
– Phân khu 05: Khu phức hợp phía Tây
+ Thuộc một phần xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Nam, Cam An Bắc, Sơn Tân, Suối Tân. Diện tích tự nhiên khoảng 9.929 ha. Diện tích đất xây dựng khoảng 3.500 ha. Dân số đến năm 2045 khoảng 63 – 69 nghìn người. Mật độ dân số trên đất xây dựng khoảng 18 – 20 người/ha.
+ Tính chất: Là vùng đệm giữa khu vực phát triển đô thị và khu vực phát triển sinh thái; là một phần của hành lang cao tốc Bắc Nam, phát triển dịch vụ logistics thông minh đa phương tiện kết nối sân bay, cảng biển Cam Ranh với hệ thống giao thông đường bộ quốc gia; là khu vực phát triển dân cư ven đô gắn với sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, sản xuất công nghiệp địa phương và dịch vụ du lịch sinh thái.
+ Định hướng chính:
Bảo vệ môi trường và cảnh quan hồ trữ nước Cam Thượng và kênh nối đến đầm Thủy Triều, đảm bảo lưu thông nước tự nhiên qua các trục giao thông lớn như trục cao tốc Bắc Nam, đường sắt Bắc Nam, đường tránh quốc lộ 1. Tạo lập cảnh quan vùng đệm chuyển tiếp giữa không gian đồi núi phía Tây và khu vực phát triển đô thị.
Phát triển dịch vụ du lịch, sân golf, du lịch cộng đồng, du lịch dã ngoại.
Mở rộng ga Suối Cát theo hướng trở thành một điểm trung chuyển hành khách và hàng hoá. Dự trữ quỹ đất bố trí ga đường sắt cao tốc Bắc Nam, điểm dừng nghỉ cao tốc Bắc Nam. Xây dựng mới nút giao cửa ngõ vào đô thị Cam Lâm từ đường cao tốc Bắc Nam. Phát triển mới chuỗi logistics thông minh đa phương tiện, tại không gian giữa trục cao tốc Bắc Nam và đường tránh quốc lộ 1.
– Phân khu 06: Khu sinh thái phía Tây Nam
+ Thuộc xã Cam Phước Tây và một phần xã Sơn Tân. Diện tích tự nhiên khoảng 11.879 ha. Diện tích đất xây dựng khoảng 600 ha. Dân số đến năm 2045 khoảng 15 – 17 nghìn người. Mật độ dân số trên đất xây dựng khoảng 25 – 28 người/ha.
+ Tính chất chức năng: Là khu vực bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn; phát triển khu dân cư kết hợp sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, khai thác – phát triển rừng và phát triển du lịch cộng đồng.
+ Định hướng chính:
Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước hồ và suối Tà Rục, tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái.
Cải tạo, chỉnh trang, mở rộng khu dân cư nông thôn hiện hữu.
Xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm thiên nhiên dọc theo các suối và nối giữa các hồ trữ nước.
– Phân khu 07: Khu sinh thái phía Tây Bắc
+ Thuộc một phần xã Suối Cát và xã Suối Tân. Diện tích tự nhiên khoảng 12.536 ha. Diện tích đất xây dựng khoảng 350 ha. Dân số đến năm 2045 khoảng 5 – 7 nghìn người. Mật độ dân số trên đất xây dựng khoảng 14 – 20 người/ha.
+ Tính chất chức năng: Là khu vực bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà; phát triển khu dân cư kết hợp sản xuất nông nghiệp, khai thác – phát triển rừng và phát triển du lịch cộng đồng.
+ Định hướng chính:
Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước hồ và suối Dầu, tôn tạo cảnh quan và môi trường sinh thái tự nhiên, khai thác phát triển du lịch sinh thái.
Cải tạo, chỉnh trang và mở rộng khu dân cư làng xóm hiện hữu.
Phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ khai thác yếu tố cảnh quan sông suối núi rừng phía Tây Cam Lâm.